Giảng dạy đại học là phải gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), đó là tính tất yếu, là 2 yếu tố luôn theo sát bên nhau và không thể tách rời.
Giảng dạy để tìm hiểu và phân tích những vấn đề còn tồn tại trong lý thuyết mà chúng ta cung cấp cho sinh viên, trong các lĩnh vực khoa học và đời sống mà chúng ta có điều kiện tiếp cận. Từ đó định hướng vấn đề nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các kết quả.
Ngược lại, NCKH làm cho người giảng viên lớn mạnh hơn không chỉ ở khía cạnh nghề nghiệp, mà cả về con người. Bởi vì, việc NCKH với những kết quả cụ thể sẽ được giảng viên bổ sung vào bài giảng, làm cho giá trị bài giảng tăng lên. Kiến thức luôn luôn được cập nhật, được làm mới sẽ tạo hứng thú nghề nghiệp cho cả người dạy lẫn người học. Hơn thế nữa, NCKH nhằm để tìm ra giải pháp cho những vấn đề giáo dục hay vấn đề xã hội cần được giải quyết, nó sẽ làm tăng uy tín của giảng viên đại học trong con mắt của người học. NCKH làm cho người giảng viên đại học luôn đổi mới tư duy, trở nên năng động với những suy nghĩ để giải quyết vấn đề thực tiễn. NCKH còn làm cho người giảng viên luôn luôn hợp tác với đồng nghiệp, học trò, với cộng đồng dân cư ở địa bàn nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học còn là thước đo tiêu chuẩn để đánh giá và xếp loại giảng viên đại học chứ không phải là giáo viên “phổ thông” cấp 4.
Tại Trường Đại học Duy Tân, một số cán bộ giảng dạy đã có nhiều cố gắng để đầu tư cho công tác này. Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ chưa chú ý đúng mức công tác này, một số khác có năng lực nghiên cứu song lại bị quá tải trong công tác đào tạo. Nếu thống kê số lượng đề tài NCKH của giảng viên thì chắc hẳn tất cả giảng viên của Trường đều biết rõ là rất thấp, còn nếu thống kê và định tính về chất lượng của các đề tài NCKH thì có lẽ cũng là một con số khá khiêm tốn. Vấn đề do đâu ? và làm thế nào để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học này một cách triệt để ?.
Sẽ có rất nhiều lý do để viện dẫn cho sự yếu kém trong công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên, lý do mang tính chủ quan cũng có và lý do mang tính khách quan cũng có. Trong nội dung bài thảo luận này, chúng tôi không trích dẫn lý do yếu kém của công tác NCKH của giảng viên tại Trường Duy Tân, mà ở đây chúng tôi chỉ xin trích dẫn một số biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác NCKH cho giảng viên ở Trường Đại học Duy Tân, để chúng ta cùng xem xét và thảo luận.
Một số giải pháp:
(1). Xác định lại quan niệm và yêu cầu về giảng viên đại học. Đó là : “Giảng viên đại học đồng thời phải là nhà nghiên cứu”.
Đẩy mạnh công tác NCKH của một Trường Đại học, nâng cấp một Trường Đại học, trước hết phải nâng cấp vai trò của giảng viên đại học.
Khi tuyển chọn các giảng viên tương lai, cần đặt nặng yếu tố “có phẩm chất của nhà nghiên cứu”, để có được giảng viên là nhà nghiên cứu và thực tế công việc đòi hỏi họ trở thành nhà nghiên cứu.
(2). Cả phương pháp giảng dạy lẫn cơ cấu chương trình giảng dạy cần đổi mới.
Ngoài việc thực hiện Chương trình Khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên cần có một sự độc lập nhất định trong việc chọn nội dung chương trình để giảng, một sự độc lập giúp họ có thể công bố các nghiên cứu mới của họ cho sinh viên. Vì việc dạy đi dạy lại một chuyên đề trong nhiều năm liền không kích thích khả năng sáng tạo và thay đổi trong nghiên cứu của giảng viên.
(3). Giảng viên cần nhận thức được rằng công tác NCKH là một hoạt động trọng tâm và có ý nghĩa thiết thực, uy tín và có tính đột phá để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Ngoài ra, giảng viên cũng cần nhận thức rõ NCKH là để phục vụ đào tạo và để phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển xã hội. Đây là hai mục tiêu mà nó sẽ tạo ra nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực và nhiều hướng nghiên cứu để chúng ta có thể khai thác. Từ đó định hướng đề tài nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu theo đúng đề cương.
(4). Lãnh đạo Nhà Trường và đặc biệt là Phòng Nghiên Cứu Khoa Học Trường cần tạo ra một cơ chế phối hợp thật sự linh hoạt với các Khoa, Phòng, Bộ môn, Ngành tuỳ theo đặc điểm của từng ngành học đào tạo cụ thể, đặc biệt là nên gặp gỡ và tiếp xúc với những chuyên gia đầu ngành trong NCKH để giảng viên của Trường có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, phương pháp, cách định hướng, lựa chọn đề tài, cách tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin có liên quan để thực hiện đề tài nghiên cứu.
(5). Lãnh đạo Nhà Trường nên dành nhiều kinh phí cho công tác NCKH, tùy theo từng đề tài ứng dụng cụ thể để cấp kinh phí cho giảng viên thực hiện, không nên đánh đồng kinh phí chung cho tất cả các đề tài nghiên cứu.
Ngoài ra, công tác NCKH còn phụ thuộc vào tính nhận thức và tự nguyện của các giảng viên, vì vậy Lãnh đạo Nhà Trường cũng cần có cơ chế khen thưởng và chế tài hợp lý đối với công tác NCKH. Trước mắt, nếu tính tự nguyện của giảng viên chưa cao, nên có các quy định mang tính chất bắt buộc để giảng viên thực hiện. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực thi trong điều kiện giảng viên đại học được trả lương xứng đáng với lao động của họ.
Trên đây là một số giải pháp mà chúng tôi muốn nêu lên, để cùng xem xét, phân tích và thảo luận, với mong muốn góp phần xây dựng hoàn thiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác NCKH của giảng viên Đại học Duy Tân.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: