Tạp chí Science : Dùng nhà khoa học giả lật tẩy báo mạng dỏm
Điều tra của Tạp chí Science : Nghiên cứu giả dưới tên giả Ocorrafoo Cobange được sử dụng đăng tải trên 16 tạp chí mở trên mạng. Trong ảnh, các tế bào ung thư.
Flickr/Pulmonary Pathology
Trong bối cảnh bùng nổ các tạp chí khoa học truy cập miễn phí trên mạng (open access), với tốc độ khoảng 1000 địa chỉ mới một năm, câu hỏi ám ảnh người sử dụng là những trang mạng được mệnh danh là khoa học này có đáng tin cậy không ? Ngày 04/10/2013, tạp chí Science công bố một kết quả nghiên cứu gây sửng sốt : Hơn một nửa trong số 304 tạp chí miễn phí, sẵn sàng chấp nhận đăng một bài viết, mà không nhận ra được những sai lầm sơ đẳng. Thông tin do nhà báo Anne Bernas của RFI tổng thuật.
Nhà báo John Bohannon, làm việc cho tạp chí khoa học Mỹ nổi tiếng Science, đã tiến hành một cuộc điều tra trong vòng 10 tháng, dưới cái tên giả Ocorrafoo Cobange, với chức danh là chuyên gia về dược học tại Viện Y học Wassee, ở Errythrée. Đây thực ra là một cơ sở nghiên cứu không còn tồn tại nữa.
Nhà nghiên cứu giả danh đã sử dụng một nghiên cứu về chất chống ung thư làm từ mốc, được sửa đi đổi lại đôi chút, để làm mồi nhử gửi đến một loạt các tạp chí trên mạng, đề nghị đăng tải. Trong nghiên cứu này, nhà báo của Science đã đưa vào đầy các sai lầm sơ đẳng.
Kết quả là hơn một nửa trong số 304 tạp chí miễn phí (tức 157 tạp chí) được tiếp xúc, quan tâm đến bài nghiên cứu, mặc dù các sai lầm cố tình đưa vào là rất dễ nhận ra, chỉ cần có trình độ trung học phổ thông là đủ. Chỉ có 36 tạp chí trên tổng số 157 tạp chí nhận công bố nghiên cứu này, là phát hiện ra cái sai lầm và yêu cầu tác giả sửa chữa. Cuối cùng thì, không cần sửa chữa gì cả, khoa học gia giả Ocorrafoo Cobange đã công bố được « tác phẩm » của mình trên 16 trong số 36 tạp chí này.
Hiện tại, theo Directory of Open Access Journals, có khoảng gần 10.000 tạp chí mở trên thế giới. Sự ra đời ồ ạt của các tạp chí miễn phí trên mạng mang lại cơ hội lớn cho những nhà khoa học, vốn không có điều kiện truy cập một số tạp chí khoa học có uy tín, đòi hỏi phải trả rất nhiều tiền. Đôi khi một viện nghiên cứu phải trả đến hàng nghìn euro/năm để có quyền truy cập chỉ một tạp chí khoa học. Việc phát triển các tạp chí miễn phí là một sáng kiến được Ủy ban Châu Âu ủng hộ cách đây mươi năm. Nhưng vấn đề là các cơ sở xuất bản phải kiểm soát được chất lượng của các bài nghiên cứu.
Cuộc điều tra độc đáo kể trên của Science cho thấy, rõ ràng thế giới tạp chí mạng mở open access là nơi vàng thau lẫn lộn. Sự nở rộ của các tạp chí miễn phí trên mạng là một bước tiến tích cực, vấn đề là điều này chỉ tốt đối với những ai có khả năng thẩm định được độ tin cậy của một nghiên cứu.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: