Những hiểu biết về đào tạo theo học chế tín chỉ nêu ra dưới đây chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng có thể giúp các giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên thấy được khó khăn, thử thách và phải suy nghĩ về điều cần làm trong quá trình triển khai thực hiện phương pháp đào tạo này tại Trường Đại học Duy Tân.
1. Vai trò của người dạy trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ.
Nếu như trong phương thức đào tạo truyền thống, người dạy có hai vai trò nổi bật nhất là “người biết mọi tri thức về môn học liên quan” và “người quyết định mọi hoạt động dạy - học trong lớp học”, thì trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, người dạy phải đảm nhiệm ít nhất ba vai trò, đó là :
(1). Cố vấn cho quá trình học tập;
(2). Người tham gia vào quá trình học tập;
(3). Người học và nhà nghiên cứu.
*. Với vai trò là cố vấn cho quá trình học tập :
Khi giảng bài cũng như khi hướng dẫn thảo luận, người dạy phải chọn những vấn đề cốt lõi, quan trọng để giảng mà nếu không có người dạy thì người học khó có thể lĩnh hội được, tạo điều kiện cho người học tiếp thu và khám phá tiếp kiến thức. Là cố vấn cho quá trình học tập, người dạy sẽ :
(i) giúp cho chính mình hiểu được người học : hiểu được những gì họ cần trong quá trình học tập và những gì họ có thể tự làm được để có thể chuyển giao những nhiệm vụ này cho họ thông qua hướng dẫn và giám sát;
(ii) giúp người học thể hiện rõ hơn những ý định của họ để qua đó họ có thể phát huy được vai trò chủ động và sáng tạo, và những nguồn lực của chính họ để học tốt môn học;
(iii) hướng sự tham gia tích cực của người học vào những mục tiêu thực tế nhất của giáo dục hiện đại : học gắn với hành.
*. Với vai trò của người tham gia vào quá trình dạy-học :
Người dạy hoạt động như là một thành viên tham gia vào quá trình học tập ở trên lớp với các nhóm người học. Với tư cách vừa là cố vấn vừa là người tham gia vào quá trình học tập, người dạy còn có thêm một vai trò bổ sung nữa; đó là, nguồn tham khảo cho người học, giúp họ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu.
*. Với vai trò là người học và người nghiên cứu :
Với tư cách là một thành viên tham gia vào các hoạt động học tập ở trên lớp, người dạy, ở một mức độ nào đó, có điều kiện trở lại vị trí của người học, hiểu và chia sẻ những khó khăn và trách nhiệm học tập với họ. Có thực hiện được vai trò của người học thì người dạy mới có thể phát huy được vai trò tích cực của người học, lựa chọn được phương pháp và thủ thuật giảng dạy phù hợp.
Với tư cách là nhà nghiên cứu, người dạy có thể đóng góp khả năng và kiến thức của mình vào việc tìm hiểu bản bất của quá trình dạy-học nói chung, bản chất của quá trình học một môn học nói riêng, những yếu tố tâm lí - xã hội ảnh hưởng đến quá trình dạy-học môn học đó. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu, người học sẽ ý thức được rằng dạy-học là một nhiệm vụ liên kết con người - một nhiệm vụ mà cả người dạy và người học đều có trách nhiệm tham gia, trong đó Học đóng vai trò trung tâm, Dạy đóng vai trò hỗ trợ, và mục tiêu học tập chi phối toàn bộ quá trình dạy-học.
2. Những khó khăn, thử thách khi thực hiện
Từ những hiểu biết cơ bản như trên, chúng tôi nhìn thấy không ít khó khăn, thử thách:
Một là, trong việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy:
+ Về đổi mới nội dung: hiện nay, các môn khoa học tự nhiên đã thực hiện theo các giáo trình chuẩn quốc tế, điều này sẽ rất tốt cho người học. Tuy nhiên sẽ phải cần rất nhiều thời gian cho người dạy để hoàn thiện nội dung bài giảng theo các giáo trình mới này, để phục vụ cho công tác giảng dạy.
+ Về đổi mới phương pháp giảng dạy: không chỉ nhằm mục đích phát huy tính chủ động của người học, tăng tính sinh động trong buổi giảng, nâng cao hiệu quả tiếp thu đối với người học như hiện đang được nhiều người dạy hướng, mà với người dạy các môn tự nhiên còn phải có những sáng kiến nhất định mới có thể thuyết phục được người học trong quá trình giảng bài lý thuyết, tránh sự nhàm chán cho người học.
Một yếu tố rất quan trọng liên quan đến người học nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến người dạy trong quá trình thực hiện giảng dạy, đó là : người học không thực hiện đúng vai trò của người học theo học chế tín chỉ, nhất là những sinh viên mới vừa tốt nghiệp ở trường phổ thông, do đó người dạy nhiều khi vẫn phải thực hiện phương pháp giảng dạy theo hình thức niên chế.
Hai là, trong việc tư vấn, hướng dẫn: làm sao biết được trình độ, năng lực thực sự của mỗi người khi đến đăng ký học? Bằng cách nào để giúp họ chọn đúng, chọn trúng các kiến thức cần trang bị, phương pháp học tập phù hợp với năng lực, điều kiện của họ?.
Ba là, trong việc đảm bảo các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người dạy : hiện nay quyền lợi của GV, CBGD được bảo đảm trên cơ sở thực hiện đúng, thực hiện đủ nghĩa vụ công việc giảng dạy. Để thực hiện nghĩa vụ này chỉ cần soạn bài giảng chu đáo, lên lớp, thực hiện giờ giảng đúng kế hoạch, nhưng khi không chu đáo thì có thể thay đổi kế hoạch ban đầu rất nhanh chóng vì lớp học và người học thì luôn luôn có sẵn.
3. Suy nghĩ về cách làm đối với khoa Khoa học Tự nhiên khi thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Đại học Duy Tân
Một cách thẳng thắn, có thể nói những khó khăn, thử thách nêu trên (và còn có thể nhiều hơn nữa) đã làm “chạnh lòng” nhiều người trong chúng tôi, khi so sánh những điều “thiệt – hơn” trước mắt. Song, chúng tôi đã không nghĩ đến việc “bàn lùi”.
Vậy, để “tiến tới chúng tôi thiết nghĩ:
Một là, về lộ trình, cần có những bước đi và lối đi thích hợp, không để quá chậm cũng không thể vội vàng. Để có thể đi một cách vững chắc và đúng hướng:
+ Bước đầu tiên: cần tạo được sự đồng lòng. Muốn có điều đó trước hết phải để cho mỗi người “đang có việc làm” phải thật sự hiểu rõ, hiểu kỹ “đào tạo theo học chế tín chỉ” là gì, hiểu rõ vai trò của người dạy. Qua đó, từng người tự nhận ra công việc và khó khăn, thử thách của mình, chuẩn bị tâm lý cho việc thực hiện vai trò của người dạy.
+. Bước tiếp theo : cần chuẩn bị đầy đủ học liệu và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, công tác quản lý đào tạo.
+. Bước cuối cùng : lựa chọn, sắp xếp, hướng dẫn các giảng viênthực hiện các công việc liên quan đến nhiệm vụ của một giảng viên, một người dạy : soạn bài giảng đầy đủ, tìm hiểu thiết bị hỗ trợ giảng dạy, tự nâng cao năng lực chuyên môn và quá trình làm việc độc lập, thực hiện giảng dạy, …..
Hai là, trong khi thực hiện các bước đi theo lộ trình chung, đối với khoa Khoa học Tự nhiên nên có các bước đi riêng về đổi mới phương pháp dạy, về xây dựng đội ngũ, đó được xem là vấn đề trọng tâm và có tính quyết định.
+ Về phương pháp giảng dạy: hiện 100%giảng viên của khoa đã sử dụng các thiết bị, phương tiện hỗ trợ dạy học hiện đại. Tuy nhiên, vì là các môn tự nhiên, nên sẽ rất khó để chuyển hẳn sang giảng dạy theo hình thức này, khó có thể phát huy được tính năng khoa học của các phương tiện hỗ trợ giảng dạy, tạo hiệu quả cao hơn nữa trong tiếp thu, nâng cao tính chủ động của người học, giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận, sử dụng kết hợp nhiều công cụ, phương tiện kỹ thuật khác. Đây cũng là việc làm có quá trình và phụ thuộc nhiều điều kiện, đặc biệt cơ sở vật chất của trường. Áp lực từ người học sẽ là động cơ tốt nhất cho quá trình này.
+ Về đội ngũ: cơ bản đội ngũ giảng viên của khoa đã được đào tạo, chuẩn hóa một cách có hệ thống, chính quy; có kinh nghiệm giảng dạy nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cần lắm những giảng viên có học vị tiến sĩ, được trau dồi kiến thức chuyên môn cao, có tâm huyết với nghề, có khả năng đương đầu với áp lực công việc. Đặc biệt là những người quản lý chuyên môn tham gia vào công tác giảng dạy phải là những người gương mẫu trong quá trình thực hiện các công việc chuyên môn, có như thế toàn bộ giảng viên sẽ đồng lòng thực thiện, chung tay thực hiện.
Trên đây là một số suy nghĩ về đào tạo theo học chế tín chỉ, góp phần vào việc xây dựng chiến lược hành động để làm sao, và cũng rất mong muốn, đào tạo theo học chế tín chỉ được thực hiện tại Trường Đại học Duy Tân ngày một phát triển bền vững và mang lại nhiều hiệu quả cao, gặt hái được nhiều thành công trong quá trình thực hiện đào tạo, trong quá trình quản lý đào tạo.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: