Mía là một loại cây công nghiệp ngắn ngày, có vị trí kinh tế ngày càng quan trọng ở nước ta. Ở một số vùng của Việt Nam, cây mía đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Miền Trung Việt Nam là một vùng nông nghiệp đa dạng, có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng sản lượng lương thực thực phẩm ở vùng này chưa cao do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạn hán kéo dài vào mùa khô. Đặc biệt đối với mía, điều kiện khô hạn, thiếu nước, đất xấu... làm mía sinh trưởng chậm, thân mía nhỏ, lóng ngắn, năng suất rất thấp. Vì vậy việc chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, cho năng suất cao, phẩm chất tốt là việc vô cùng quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn to lớn.
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là hai mía giống ROC 10 và ROC 16 của cây mía đường (Saccharum officinarum L.) được nuôi cấy mô tạo callus trên môi trường MS và xử lý hạn với 3, 6, 9, 12 và 15% mannitol ở các khoảng thời gian 7, 14, 21 và 28 ngày xử lý. Các callus sống sót sẽ được phân tích các chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh chứng tỏ cho khả năng chịu hạn của callus.
Chỉ tiêu hàm lượng protein tổng số của callus mía xử lý stress hạn:Phản ứng thông thường của thực vật khi chịu tác động bất lợi của ngoại cảnh là biến đổi hàm lượng và thành phần của protein. Hàm lượng protein và thành phần chất lượng của chúng đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tính chịu hạn của cây, lượng acid nucleic cao, đặc biệt là RNA tạo khả năng tổng hợp protein và điều đó làm tăng tính chống chịu của cây đối với hạn. Purin và primidin ở hàm lượng cao cũng có tác dụng kích thích sự tổng hợp acid nucleic ở trong cây chịu hạn, chúng ức chế hoạt tính của enzyme RNase để tăng quá trình tổng hợp protein
Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy callus giống ROC 10 xử lý stress hạn hàm lượng protein tổng số tăng dần khi tăng nồng độ mannitol từ 9 đến 12% và hàm lượng protein giảm khi xử lý callus trên môi trường bổ sung 15% mannitol trong khoảng thời gian xử lý 7-28 ngày. Hàm lượng protein đạt giá trị cao nhất là 48,33 mg/g TLT ở môi trường bổ sung 12% mannitol sau 7 ngày xử lý.
Đối với giống ROC 16, hàm lượng protein tăng so với đối chứng khi callus được xử lý stress trên môi trường bổ sung từ 9-15% mannitol trong 7-28 ngày xử lý. Hàm lượng protein đạt giá trị cao nhất là 39,11 mg/g TLT ở môi trường bổ sung 12% mannitol sau 21 ngày xử lý
Ở các dòng mía xử lý stress hạn, hàm lượng protein thay đổi khác nhau và không theo quy luật. Điều này liên quan đến tính đa dạng và không định hướng của các biến dị di truyền xuất hiện trong qúa trình nuôi cấy mô.
Các nghiên cứu tiếp theo chúng tôi sẽ nghiên cứu các chỉ tiêu sinh lý hóa sinh khác để tiếp tục tuyển chọn được giống mía có khả năng chịu hạn tốt.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: