I. Ý nghĩa của các bài thực hành hóa học.
Thí nghiệm thực hành là hình thức thí nghiệm do SV tự làm khi hoàn thiện kiến thức nhằm minh họa, ôn tập, củng cố, vận dụng kiến thức đã học và rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo hóa học. Đây là dạng thí nghiệm mà SV tập triển khai nghiên cứu các quá trình hóa học như: nghiên cứu tính chất các chất, điều chế các chất, nhận biết các chất, giải bài tập thực nghiệm. Đây là phương pháp học tập đặc thù của hóa học có tác dụng giáo dục, rèn luyện SV một cách toàn diện và có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ trí dục, đức dục, phát triển SV vì các lí do sau:
1. Bài thực hành giúp SV nắm vững kiến thức và thiết lập được lòng tin vào khoa học, hình thành và nâng cao hứng thú học tập bộ môn. Trong giờ học thực hành hóa hoc SV có điều kiện để tự mình thực hiện các thí nghiệm hóa học và quan sát đầy đủ các hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm nên SV sẽ cảm nhận được vai trò của mình như một người nghiên cứu, có niềm vui của sự thành công và nỗi trăn trở của những lần thất bại. Từ các hiện tượng hóa học quan sát được trong SV nảy sinh các câu hỏi tại sao và nhu cầu giải thích để tìm ra mối liên hệ giữa các hiện tượng hóa học với bản chất các quá trình hóa học trong thí nghiệm, giữa nguyên nhân và kết quả. Sự hướng dẫn của GV, những ý kiến thảo luận với bạn bè sẽ giúp các em giải quyết được các mâu thuẫn nhận thức nảy sinh trong quá trình thí nghiệm, nắm vững kiến thức và cả phương pháp vận dụng chúng trong việc giải quyết vấn đề đồng thời còn có được niềm vui của người nghiên cứu.
2. Trong quá trình thí nghiệm, SV phải phát huy tối đa các hoạt động của mọi giác quan và hoạt động tư duy. Trong giờ thực hành SV phải thực hiện các thao tác thí nghiệm, quan sát, mô tả đầy đủ các hiện tượng hóa học đã xảy ra trong quá trình thí nghiệm đồng thời đòi hỏi SV phải có hoạt động tư duy ở mức độ cao để hiểu dược ý nghĩa các thao tác trong thí nghiệm, dự đoán các hiện tương sẽ xảy ra theo lí thuyết, đối chiếu kết quả thu được với điều dự đoán, vận dụng kiến thức để giải thích các hiện tương thí nghiệm và rút ra những nhận xét về kiến thức, kĩ năng tiến hành thí nghiệm. Cũng từ các hoạt động thực hành, thí nghiệm mà các ý tưởng mới, sáng tạo của SV về cách tiến hành thí nghiệm, sự cải tiến dụng cụ thí nghiệm được nảy sinh và kiểm nghiệm. Như vậy thông qua các bài học thực hành, các hoạt động thực hành mà hoạt động của các giác quan, hoạt động tư duy và tư duy sáng tạo của SV được phát triển tốt hơn.
3. Thí nghiệm thực hành là phương pháp học tập có ưu thế nhất trong việc rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo hóa học cho SV nhất là các kĩ năng, thao tác sử dụng hóa chất, dụng cụ thí nghiệm, kĩ năng quan sát, mô tả hiện tượng thí nghiệm và kĩ năng vận dụng kiến thức hóa học.
4. Thông qua bài thực hành thí nghiệm mà GV hình thành ở SV phương pháp nghiên cứu hóa học như phát hiện, đề xuất vấn đề nghiên cứu, dự đoán lí thuyết, lựa chọn dụng cụ hóa chất và xây dựng phương án tiến hành thí nghiệm, quan sát trạng thái màu sắc các chất tham gia phản ứng, tiến hành các thao tác thí nghiệm và quan sát mô tả hiện tượng thí nghiệm, đối chiếu với dự đoán và giải thích hiện tượng, nhận xét và rút ra các kết luận. Các phương pháp này cần được hình thành dần qua các bài thực hành cụ thể trong chương trình hóa học nên GV cần lưu ý thực hiện trong hoạt động hướng dẫn và tổ chức của mình.
5. Thông qua các bài thực hành mà rèn luyện cho SV những đức tính của người nghiên cứu khoa học như phong cách làm việc nghiêm túc, bố trí chỗ làm việc ngăn nắp, gọn gàng và khoa học, cẩn thận và thành thạo trong thao tác, khách quan trong mô tả hiện tượng thí nghiệm, các kết luận được đưa ra phải dựa trên những cơ sở lí thuyết chặt chẽ…
Như vậy các bài thực hành thí nghiệm có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo nhằm hình thành và phát triển năng lực hành động, năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy tích cực sáng tạo cho SV.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: