Nghiên cứu mới về chụp ảnh tốc độ 1000 tỷ khung hình một giây.
Như đã biết, kỹ thuật video quay chậm (slow-motion video) cho chúng ta quan sát được một viên đạn xuyên qua quả táo như thế nào, một con chim đập cánh ra sao, và một con thằn lằn bằng cách nào có thể chạy được trên mặt nước. Mới đây, một kỹ thuật video mới đã cho phép con người chụp được cả một vệt sáng đang di chuyển.
Một nhóm các nhà khoa học tại MIT đã chế tạo một hệ thống camera có thể chụp được một-nghìn-tỷ-khung-hình-một-giây; vâng, 1000.000.000.000 fps, cho phép mường tượng được ánh sáng truyền đi như thế nào.
Theo bản tin từ MIT, để tạo ra video ghi được cảnh photon đang di chuyển, các nhà khoa học dùng một camera đặc biệt, gọi là "streak camera", vốn thường được sử dụng để đo cường độ và thời gian truyền của ánh sáng. Loại camera này sẽ tách một ảnh chụp thành ảnh một chiều nhờ các photon lệch hướng gây bởi điện trường, và vì vậy đoạn video thực chất là sự kết hợp hàng nghìn tỷ các tấm ảnh một chiều đó.
Tất cả các tấm ảnh được chụp bởi cùng ống kính có kết nối với một cái hộp chứa 500 cảm biến ảnh. Mỗi cảm biến được lập trình để chụp một bức ảnh ở tốc độ 1/1000 tỷ giây. Khi cảm biến đang hoạt động, các nhà khoa học xoay gương để tái tạo lại toàn bộ ảnh chụp, và mỗi ảnh thực chất là một xung sáng.
Để tạo xung sáng, các nhà khoa học đã dùng một nguồn laser titan-saphia với các xung phát ra giống nhau. Và nhờ đó các ảnh chụp được có thể được nối lại thành một video quay cực chậm. Đó là lí do vì sao họ gọi nó là "camera chậm nhất thế giới".
Về tiềm năng ứng dụng thực thế của "camera tốc độ ánh sáng", các nhà khoa học nói rằng nó có thể dùng trong việc chụp ảnh y khoa, chẳng hạn kỹ thuật siêu âm dựa trên ánh sáng. Nó cũng có thể được dùng để ghi lại sự tán xạ của ánh sáng với vật thể để nghiên cứu cấu trúc vật lí của vật thể đó. Một khả năng khác đó là chế tạo các camera thương mại tạo được các hiệu ứng chiếu sáng thú vị gây bởi những vật thể như những cái dù, các hộp mềm.