Lời dẫn: Dưới đây là phỏng vấn của phóng viên báo Đất Việt với GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) về năng suất nghiên cứu khoa học của các trường Đại học tại Việt Nam, trong đó có những nhận định tích cực đối với ĐH Duy Tân chúng ta. Hy vọng rằng những nhận xét đó sẽ mang lại sự hứng khởi cho các thầy cô, để mỗi chúng ta tiếp tục làm việc chăm chỉ, góp phần làm cho sự hiện diện của ĐH Duy Tân trên trường khoa học quốc tế ngày một rõ hơn.
Để các thầy cô được rõ, xin được giới thiệu GS Nguyễn Văn Tuấn là một chuyên gia nổi tiếng ngành loãng xương của thế giới, có kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong ban biên tập của các tập san khoa học hàng đầu về nội tiết và loãng xương như Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, và Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism; làm Academic Editor cho PLoS ONE, và Associate Editor cho BMC Musculoskel Disorders. Ông đã công bố trên 250 bài báo trên những tập san có IF rất cao như J Bone Miner Res (IF=6.832), J Clin Endocrinol Metab (IF=6.209); và đáng kể nhất là những bài quan trọng trên các tập san như New England Journal of Medicine (IF=55.873), Lancet (IF=45.217), JAMA (IF=35.289), Nature (IF=41.456), Nature Genetics (IF=29.352). Tổng số trích dẫn các bài báo của ông là hơn 19000 lần; và chỉ số H (H-index) của ông năm nay là 65. (Trích từ http://www.uts.edu.au/staff/tuanvan.nguyen)
--Lê V. K. Bảo--
=========
PV: Vừa qua, kết quả thống kê có tính chất tham khảo của hai nghiên cứu sinh Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền theo cách tính số lượng bài báo công bố trên ISI trên tổng số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, của một số đại học có số lượng công bố quốc tế hàng đầu Việt Nam tính từ đầu năm 2015 đến nay, bằng cách tổng hợp dữ liệu từ trang Web of Science, có chỉ rõ, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Đại học Tôn Đức Thắng là hai trường có số lượng công bố quốc tế lớn nhất. Trong khi, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có số lượng tiến sĩ nhiều nhất nhưng số lượng công bố quốc tế lại thấp hơn rất nhiều. Ông có bất ngờ trước nghịch lý này hay không? Theo ông, đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay dự báo xu hướng gì?
NVT: Tôi nghĩ những nỗ lực của hai tác giả Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền là rất quí, họ làm việc nghiêm túc và dựa vào nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Qua đó họ đã gióng một tiếng nói báo động về năng suất khoa học của các trường đại học lớn của Việt Nam. Dĩ nhiên, có người suy nghĩ khác, nhưng đây là bước đầu nên còn nhiều cải tiến trong tương lai.
Tôi không bất ngờ lắm về kết quả của hai tác giả Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền, vì năm ngoái tôi cũng có làm một phân tích tương tự, và kết quả cũng cho thấy một số đại học mới và tương đối nhỏ đang trên đà tăng trưởng nghiên cứu khoa học rất nhanh. Đáng kể là những trường đại học Duy Tân, Tôn Đức Thắng, Đồng Tháp, Nha Trang.
Số lượng tiến sĩ và giáo sư nhiều không có nghĩa là mặc nhiên có năng suất khoa học cao. Trong thực tế, theo kinh nghiệm của tôi, ở bất cứ đại học nào -- trong hay ngoài nước -- chỉ có một số ít (khoảng ¼ hay ít hơn) giáo sư và tiến sĩ thường xuyên nghiên cứu khoa học, và chính số này quyết định năng suất cho toàn trường. Do đó, vấn đề là làm sao tạo động lực cho phần còn lại để tham gia vào nghiên cứu khoa học, và trường nào làm được việc này thì sẽ nắm thế thượng phong. Tôi nghĩ hai đại học Duy Tân và Tôn Đức Thắng đã biết được cái "bí quyết" đó nên họ tiến nhanh là điều không ngạc nhiên.
PV: Theo chia sẻ của lãnh đạo trường ĐH Duy Tân thì để có được năng suất nghiên cứu khoa học cao, cũng như số lượng công bố quốc tế lớn, thì nhà trường phải mở rộng hợp tác quốc tế đặc biệt theo chiến lược "đứng trên vai của những người khổng lồ", đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cũng như nguồn kinh phí để khuyến khích phát triển khoa học. Với cách làm khoa học như của ĐH Duy Tân có đáng để chúng ta tham khảo hay không? Cách đó thì có thể tăng số lượng công bố quốc tế vì chúng ta có thể tính cả phần đứng tên chung với tác giả nước ngoài, nhưng tác động của nó với việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam thì phải nhìn nhận ra sao, thưa ông?
NVT: Thật ra, hiện nay, khoảng 70-80% bài báo khoa học của Việt Nam là do hợp tác với nước ngoài, và một số lớn là do nhà khoa học nước ngoài chủ trì. Đó là tình trạng chung của nước và của các đại học lớn. Ngay cả những công trình “đình đám” trên báo chí gần đây cũng là của nước ngoài chủ trì. Nhưng điều đáng mừng là các đại học nhỏ, như ĐH Tôn Đức Thắng chẳng hạn, thì phần lớn công trình là do Trường đầu tư và nhà khoa học của Trường chủ trì.
Nhiều người cũng phân vân về mô hình nghiên cứu khoa học của Trường đại học Duy Tân, nhưng tôi thấy việc họ làm là bình thường. Trong khi thực lực khoa học còn thấp, thì Trường phải tìm cách nâng cao năng lực từ các nguồn, kể cả Việt kiều ở nước ngoài. Ở nước ngoài các đại học đều tăng cường hợp tác để trước hết là xây dựng năng lực khoa học cho trường, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, và sau là nâng cao năng suất khoa học. Đó cũng là chủ trương chung của Việt Nam, tức là thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài về hợp tác nghiên cứu. Trong khi cả nước nói chung chưa làm thành công, nhưng có những đại học làm được thì cần khuyến khích.
Tôi biết một số trường đại học Việt Nam đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, bằng cách lập labo và nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Chẳng hạn như Đại học Quốc gia TPHCM đầu tư xây dựng labo cho một số nhà khoa học nước ngoài về làm việc. Tương tự và trước đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã đầu tư lập hơn 20 labo và nhóm nghiên cứu, và chính những labo này nâng cao năng suất khoa học cho nhà trường. Tôi biết ĐH Duy Tân cũng theo mô hình này. Tôi nghĩ đây là mô hình rất tốt, theo xu hướng chung trên thế giới, và là một cách triển khai chủ trương của Nhà nước.
Cũng cần nói thêm là chúng ta nên tránh "mô hình" mua bài báo khoa học mà một số đại học ở Saudi Arabia làm. Những đại học đó rất giàu, họ có cách làm khá đặc thù: họ đi tìm những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, viết thư cho họ và đề nghị để tên trường của Saudi Arabia vào bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố, và trường sẽ trả vài chục ngàn USD cho mỗi bài báo. Chúng ta phải tuyệt đồi tránh tình trạng đó, vì làm như thế chẳng xây dựng được năng lực khoa học cho trường và cho Việt Nam.
PV: Theo ông có cách nào để nâng cao năng lực khoa học, và nâng cao năng suất khoa học cho Việt Nam?
NVT: Đây là một câu hỏi lớn và làm tôi càng ngày càng … bạc đầu. Tôi có dịp đi đây đó ở Á châu và xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, tôi tin rằng chìa khoá nằm ở 4 yếu tố: con người; năng lực và chất lượng khoa học; môi trường khoa học; và tổ chức và quản lí. Trong một hội thảo về khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ở Hạ Long vào tháng 5 năm nay, tôi có đề ra những biện pháp để thu hút nhân tài từ nước ngoài, tạo môi trường tự do học thuật, tổ chức lại hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu, và tinh giản bộ máy quản lí khoa học.
Tôi nghĩ con người là chìa khoá quan trọng nhất, là yếu tố và cũng là điều kiện số 1 để xây dựng và thúc đẩy một nền khoa học có cơ may phát triển bền vững. Nghiên cứu khoa học, cũng như bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, bắt đầu từ các nhà khoa học. Uy danh của một nền khoa học được xây dựng trên một tập thể những nhà khoa học có uy tín và có "tên tuổi" trên trường quốc tế. Họ là thành phần ưu tú (hay elite) trong cộng đồng khoa học, đóng vai trò lãnh đạo và đề ra viễn kiến, định hướng nghiên cứu, và chuyển gia thành quả nghiên cứu đến kĩ nghệ. Ở nước ta hiện nay, số nhà khoa học hạng elite cấp quốc tế còn rất ít. Nếu tính theo chỉ số H trên 20 (chỉ là một cách tính thô) thì số nhà khoa học Việt Nam có chỉ số như thế chỉ khoảng 20 người.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nên thiết lập các chương trình nghiên cứu (ở nước ngoài có khi người ta gọi là “fellowship program”). Tôi đề nghị gọi chương trình này là “Vietnam Fellowship Program” (VFP). Tôi nghĩ đến chương trình VFP này nên nhắm vào 5 mục tiêu chính là: (i) khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú; (ii) đảm bảo các nhà khoa học này một sự nghiệp vững vàng (tức họ không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”); (iii) xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ; (iv) khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành, hoạt động sản xuất, và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia; và (v) khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ti kĩ nghệ. Nói tóm lại, mục tiêu chính của VFP là nhắm vào việc xây dựng một cộng đồng khoa học gia loại “hoa tiêu” để nâng cao tính cạnh tranh của nước ta trên trường khoa học quốc tế. Hiện nay, các đại học như Duy Tân và Tôn Đức Thắng đã làm gần giống như VFP, nhưng họ không trả lương, và cũng không gọi theo cách gọi đó.
PV: Vừa rồi, giới khoa học chính thống Việt Nam hồ hởi trước thông tin chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam cao hơn Thái Lan nhưng xem xét các yếu tố thì điểm sáng tạo của VN lại kém xa nước bạn xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này? Phản ứng của giới khoa học chính thống gợi lên cho ông những suy nghĩ gì?
NVT: Tôi nghĩ chúng ta chỉ xem những bảng xếp hạng như thế để tham khảo thôi, chứ không nên dựa vào đó mà tự mãn. Cũng giống như bảng xếp hạng giáo dục trung học PISA mà trong đó Việt Nam đứng khá cao, cao hơn cả Úc và Mĩ, nhưng chúng ta biết rằng những cách làm như thế còn rất nhiều hạn chế, không phản ảnh thực lực của chúng ta. Trong thực tế, Việt Nam có tình trạng “tị nạn giáo dục” thì những bảng xếp hạng như thế rất vô ý nghĩa. Chỉ có chúng ta biết chúng ta mạnh chỗ nào và yếu chỗ nào, chứ chẳng có bảng xếp hạng nào định lượng được.
Hiện nay, nếu tính trên số công trình khoa học công bố quốc tế, Việt Nam chúng ta đứng hạng 68 (trên 236 nước), thấp hơn Thái Lan (hạng 42), Mã Lai (43), nam Dương (64), và dĩ nhiên thấp hơn Singapore (hạng 32). Tất cả các chỉ số về kinh tế tri thức, năng lực sáng tạo, giáo dục, v.v. Việt Nam chúng ta đều thấp hơn các nước vừa kể. Chỉ có một chỉ số mà chúng ta tương đương họ là công nghệ viễn thông - thông tin, nhưng khi nhìn kĩ vào chỉ số này thì họ tính dựa trên số người sử dụng điện thoại di động, và số điện thoại di động do Samsung xuất khẩu. Nói như thế để thấy là chúng ta không nên tin vào những bảng xếp hạng "tổng hợp" như thế nếu không xem xét cách người ta làm.
PV: Năng suất lao động thấp, khả năng áp dụng công nghệ kém, bản thân các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ kém. Viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam nếu cứ ngày càng xa rời chuẩn mức của thế giới sẽ như thế nào? Ông đã nhìn thấy tín hiệu gì từ phía các nhà quản lý để giải quyết vấn đề này chưa? Đứng ở góc độ chuyên gia, ông có tư vấn gì?
NVT: Vâng, bức tranh chung thì rất ảm đạm như phóng viên vừa mô tả. Đó là chưa kể đến nợ công ngày càng chồng chất, và chúng ta tiếp tục đi vay. Nguồn tài nguyên dần dần cạn kiệt. Chúng ta đang rơi vào cái bẫy "thu nhập trung bình" mà các chuyên gia đã cảnh báo trước đây. Chúng ta phải nghiêm túc tự vấn: Chúng ta sẽ để lại di sản gì cho con cháu mai sau, hay chỉ là một đống nợ.
Tôi theo dõi qua báo chí thì thấy sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do sự xoay sở và năng động của doanh nghiệp, chứ cấp quản lí vĩ mô thì hình như chẳng có năng động gì, nếu không muốn nói là rào cản cho phát triển của doanh nghiệp. Những người quản lí cấp vĩ mô có vẻ rất duy ý chí, nên họ hay để ra những mục tiêu không tưởng, những mục tiêu thiếu cơ sở khoa học. Như vậy chúng ta là nạn nhân của chính những mục tiêu không tưởng mà chúng ta đề ra.
Hiện nay, theo tôi biết thì Chính phủ duy trì các tập đoàn kinh tế Nhà nước là chủ đạo, nhưng tôi nghĩ như nhiều chuyên gia khác là nên chấp nhận vai trò của các tập đoàn kinh tế ngoài Nhà nước. Tôi nghĩ điều quan trọng khác là phải "giải phóng" con người, hiểu theo nghĩa cho phép lập tổ chức đại diện công nhân (bên cạnh công đoàn Nhà nước) và tổ chức dân sự.
(http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/vuot-thai-lan-chi-so-doi-moi-toan-cau-dung-tu-man-3286771/)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: