Ngày 27 tháng 02 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
Để khởi động tiến trình 3 năm (2010-2012) đổi mới quản lý giáo dục đại học theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đại học, học viện, các trường đại học và cao đẳng tổ chức thảo luận rộng rãi theo chủ đề: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học?”. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo.
1. Sự cần thiết phải đổi mới PPGD
1.1.Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi con người phải có nhiều năng lực mới: năng lực tư duy độc lập, năng lực tự học và tự cập nhật thường xuyên kiến thức mới, năng lực thích ứng với những thay đổi… Đây chính là những năng lực giúp con người Việt Nam “đi tắt đón đầu”, rút bớt khoảng cách lạc hậu so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.Trường đại học không thể đào tạo ra những con người như vậy nếu không đổi mới PPGD.
1.2. Yêu cầu của sự phát triển khoa học - công nghệ
Một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta là sự phát triển như vũ bão của khoa học- công nghệ. Các cuộc cách mạng khoa học trên các lĩnh vực: tin học, truyền thông, công nghệ… không chỉ làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội mà còn có tác động mạnh mẽ đến PPGD ở đại học. Dưới ảnh hưởng của các cuộc cách mạng khoa học, nhiều phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại xuất hiện. Việc sử dụng các phương tiện như: Hệ thống nghe nhìn, công cụ tin học đa phương tiện, mạng internet… trong quá trình đào tạo đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học ở đại học.
1.3. Yêu cầu của sự hội nhập GDĐH trong khu vực và trên thế giới
Xu hướng của GDĐH ở các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới là ngày càng có sự tiêu chuẩn hoá cao. Ở từng yếu tố của quá trình đào tạo đều có những chuẩn mực và tiêu chí để kiểm soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo. Ngay cả PPGD cũng được xác định theo những chuẩn mực và tiêu chí nhất định, như tỉ lệ giữa giờ lên lớp và giờ tự học của sinh viên (SV), mức độ phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học trong phát hiện và giải quyết vấn đề, mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Vì thế, để sớm xây dựng được một nền GDĐH có chất lượng cao, ngang tầm khu vực và vươn dần tới trình độ quốc tế, tạo điều kiện cho sự hội nhập, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới một cách cơ bản và toàn diện, trên tất cả các mặt, trong đó có đổi mới về PPGD.
1.4. Yêu cầu của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ngoài nước.
Thực hiện phương thức đào tạo này, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức giảng dạy - học tập. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học có nhiều khả năng phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của SV; đồng thời tăng cường khâu tổ chức cho SV tự học, tự nghiên cứu.
2. Những định hướng đổi mới PPGD
Việc đổi mới PPGD được xuất phát trên những định hướng sau đây:
2.1. Phải tiến hành đổi mới một cách đồng bộ
PPGD là một yếu tố của của quá trình đào tạo đại học, có mối quan hệ với các yếu tố khác. Do đó muốn đổi mới PPGD, không thể không đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên (GV); cơ sở vật chất thiết bị phục vụ đào tạo; kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo…
Điều rõ ràng là việc đổi mới PPGD ở đại học chỉ thực hiện được khi:
- Mục tiêu của các trường đại học hướng vào việc đào tạo nhân lực tư duy, nhân lực tạo nghiệp;
- Các học phần có đủ tài liệu, giáo trình và tài liệu tham khảo được biên soạn dưới dạng những vấn đề, tình huống có vấn đề;
- Nhà trường có những thiết bị dạy học mới như overhead, projector, multimedia;
- Việc kiểm tra, đánh giá nhằm vào lĩnh vực nhận thức bậc cao của SV (áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá);
- Bản thân GV phải nắm vững các PPGD mới và quan tâm đến dạy cách học cho SV.
2.2. Phải hướng vào việc phát huy tính tích cực, chủ động của SV, tránh lối truyền thụ một chiều, nhồi nhét kiến thức, tiến tới dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề
Có thể xem đây là định hướng cơ bản nhất cho việc đổi mới PPGD nhằm tạo ra khâu đột phá, từ bỏ thói quen thụ động, chuyển sang cách học có nghiên cứu, tích cực, chủ động. Theo định hướng này, đòi hỏi:
- Phải đổi mới cách dạy của GV
GV phải dạy cho SV năng lực nhận thức, năng lực tư duy sáng tạo. Muốn thế người giảng viên phải nắm vững năng lực nhận thức, năng lực tư duy của SV và phải biết áp dụng các phương pháp khác nhau, tuỳ theo mục tiêu, tính chất của môn học, đặc điểm của người học, lớp học…
- Phải đổi mới cách học của SV
Trong cách học của SV cần chú trọng đến phương pháp tự học. Có hình thành được phương pháp tự học, SV mới có thể thích ứng nhanh với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ và việc học tập suốt đời, trong bối cảnh khoa học- kỹ thuật phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh tự học, cần phải chú ý đến “cùng học”. Cùng học (theo nhóm, tổ, lớp) mới rèn luyện cho SV khả năng hợp tác, khả năng thuyết phục và khả năng quản lý.
- Phải giảm bớt thời gian học tập trên lớp, dành thêm thời gian tự học, tự nghiên cứu của SV
Trong phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thời gian học tập trên lớp của SV chỉ chiếm 50%, còn lại dành cho các hoạt động học tập độc lập khác. Vì thế, SV phải kế hoạch hoá các hoạt động học tập độc lập này để hoàn thành những nhiệm vụ học tập (cá nhân, nhóm) khác nhau.
2.3. Phải có bước đi và mức độ thích hợp cho việc đổi mới PPGD
Hiện nay, nhiều trường đại học còn có khó khăn về giáo trình, tài liệu học tập của SV, về đội ngũ GV (nhất là đối với những ngành mới) và về cơ sở vật chất, thiết bị … trong khi quy mô đào tạo không ngừng tăng lên. Điều đó, đòi hỏi việc đổi mới PPGD ở đại học phải có bước đi và mức độ thích hợp, cụ thể là:
- Cần xác định đổi mới PPGD ở đại học là một quá trình lâu dài, phức tạp. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, muốn thay đổi một cách dạy, một cách học (ví dụ, chuyển từ dạy học thụ động sang dạy học tích cực) ở đại học phải mất nhiều năm. Điều đó lưu ý chúng ta không nên nóng vội nhưng cũng cần phải khẩn trương ở những khâu có thể cải tiến, “đột phá” ngay được.
- Lựa chọn các môn học, các tổ bộ môn, các khoa có điều kiện triển khai trước việc đổi mới PPGD để rút kinh nghiệm cho toàn trường.
- Tiến hành đổi mới PPGD theo các mức độ khác nhau:
+) Thuyết trình có đàm thoại thảo luận;
+) Tổ chức dạy học theo cách hướng dẫn SV học tập là chính;
+) Tổ chức dạy học theo hướng phát hiện và giải quyết vấn đề;
+) Tổ chức dạy học theo hướng nghiên cứu…
Tóm lại, đổi mới PPGD là yêu cầu tất yếu đối với các trường đại học trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đổi mới về PPGD được thực hiện ắt sẽ kéo theo việc nâng cao chất lượng đào tạo.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: