Tinh bột là nguồn carbohydrate quan trọng nhất trong chế độ ăn uống của con người và thường chiếm hơn 50% lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn. Tinh bột chứa chủ yếu ở thực vật, đặc biệt có nhiều trong hạt (ngũ cốc). Chúng ta thường nghĩ khoai tây là một loại thực phẩm chứa tinh bột nhiều nhất, nhưng có một số loại thực vật chứa tỷ lệ tinh bột lớn hơn nhiều (khoai tây 15%, lúa mì 55%, ngô 65% và gạo 75%). Tinh bột thương phẩm thường là một loại bột trắng.
Cấu tạo tinh bột gồm 2 thành phần là amylose và amylopectin. Tinh bột tự nhiên thường chứa khoảng 10- 30% amylose và 70-90% amylopectin. Amylose là một polysaccharide mạch thẳng được cấu tạo bởi nhiều đơn vị D – glucose liên kết với nhau bằng liên kết α-1,4-glycosidic. Amylose phản ứng với dung dịch iod cho màu xanh tím do tạo phức giữa amylose và iod.
Amylopectin là một polysacharide mạch nhánh bao gồm các đơn vị glucose liên kết với nhau bởi các liên kết α-1,4-glycosidic và các liên kết α-1,6-glycoside tạo mạch phân nhánh. Một phân tử amylopectin có thể chứa hàng nghìn đơn vị glucose, điểm nhánh được tạo ra sau 25 – 30 đơn vị glucose. Cấu trúc xoắn ốc của amylopectin bị phá vỡ do sự phân nhánh của chuỗi, vì vậy thay vì amylose bắt màu xanh tím đậm với iod thì amylopectin tạo ra màu nâu đỏ với dung dịch iod.
Dextrin là các polysaccharide được tạo thành khi thủy phân một phần tinh bột. Dextrin dễ tiêu hóa hơn tinh bột và do đó được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh. Thủy phân hoàn toàn tinh bột thu được glucose.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: