Những hiểu biết về đào tạo theo học chế tín chỉ nêu ra dưới đây chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng có thể giúp các giảng viên thấy được khó khăn, thử thách và phải suy nghĩ về điều cần làm trong quá trình triển khai thực hiện phương pháp đào tạo này tại Trường Đại học Duy Tân.
1. Vai trò của người dạy trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ.
Nếu như trong phương thức đào tạo truyền thống, người dạy có hai vai trò nổi bật nhất là “người biết mọi tri thức về môn học liên quan” và “người quyết định mọi hoạt động dạy - học trong lớp học”, thì trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, người dạy phải đảm nhiệm ít nhất ba vai trò, đó là :
(1). Cố vấn cho quá trình học tập;
(2). Người tham gia vào quá trình học tập;
(3). Người học và nhà nghiên cứu.
2. Những khó khăn, thử thách khi thực hiện
Chúng tôi nhìn thấy không ít khó khăn, thử thách:
Một là, trong việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy:
+ Về đổi mới nội dung: hiện nay, các môn học đã thực hiện theo các giáo trình chuẩn quốc tế, điều này sẽ rất tốt cho người học. Tuy nhiên sẽ phải cần rất nhiều thời gian cho người dạy để hoàn thiện nội dung bài giảng theo các giáo trình mới này, để phục vụ cho công tác giảng dạy.
+ Về đổi mới phương pháp giảng dạy: không chỉ nhằm mục đích phát huy tính chủ động của người học, tăng tính sinh động trong buổi giảng, nâng cao hiệu quả tiếp thu đối với người học như hiện đang được nhiều người dạy hướng đến, mà còn phải có những sáng kiến nhất định mới có thể thuyết phục được người học trong quá trình giảng bài lý thuyết, tránh sự nhàm chán cho người học.
Một yếu tố rất quan trọng liên quan đến người học nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến người dạy trong quá trình thực hiện giảng dạy, đó là : người học không thực hiện đúng vai trò của người học theo học chế tín chỉ, nhất là những sinh viên mới vừa tốt nghiệp ở trường phổ thông, do đó người dạy nhiều khi vẫn phải thực hiện phương pháp giảng dạy theo hình thức niên chế.
Hai là, trong việc tư vấn, hướng dẫn: làm sao biết được trình độ, năng lực thực sự của mỗi người khi đến đăng ký học? Bằng cách nào để giúp họ chọn đúng, chọn trúng các kiến thức cần trang bị, phương pháp học tập phù hợp với năng lực, điều kiện của họ?.
Ba là, trong việc đảm bảo các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người dạy : hiện nay quyền lợi của GV, CBGD được bảo đảm trên cơ sở thực hiện đúng, thực hiện đủ nghĩa vụ công việc giảng dạy. Để thực hiện nghĩa vụ này chỉ cần soạn bài giảng chu đáo, lên lớp, thực hiện giờ giảng đúng kế hoạch, nhưng khi không chu đáo thì có thể thay đổi kế hoạch ban đầu rất nhanh chóng vì lớp học và người học thì luôn luôn có sẵn.
Trên đây là cách nhìn của một cá nhân ở lĩnh vực đào tạo, cần lắm những cách nhìn khác ở nhiều đơn vị khác và ở nhiều khía cạnh khác nhau, để góp phần vào việc xây dựng chiến lược hành động, để làm sao đào tạo theo học chế tín chỉ được thực hiện tại Trường Đại học Duy Tân ngày một phát triển bền vững và mang lại nhiều hiệu quả cao, gặt hái được nhiều thành công trong quá trình thực hiện đào tạo và trong quá trình quản lý đào tạo.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: