Phương pháp ion – electron dựa trên sự cân bằng khối lượng và cân bằng điện tích của các cấu tử khi tham gia phản ứng.
Trong phương trình phản ứng, các chất điện li mạnh thì viết dưới dạng ion, các chất điện li yếu và các chất khí thì viết dưới dạng phân tử, các chất rắn thì viết dưới dạng phân tử hay nguyên tử.
Các bước tiến hành:
- Xác định các chất oxy hóa, chất khử đầu và cuối.
- Viết từng nửa phản ứng oxi hóa - khử: viết dưới dạng oxy hóa và dạng khử liên hợp.
- Cân bằng khối lượng, nghĩa là làm cho số nguyên tử của các nguyên tố ở hai vế của phản ứng phải bằng nhau.
Thông thường ở đây phải thêm bớt các chất phụ như H+, OH-, H2O… Khi thêm bớt như vậy phải hết sức chú ý đến môi trường thực hiện phản ứng và không được thay đổi trạng thái oxy hóa - khử của các nguyên tố.
Chẳng hạn, nếu phản ứng thiếu oxi ở vế trái (VT): môi trường là axit thì thêm H2O ở VT, H+ ở VP; môi trường kiềm thì thêm OH- ở VT, H2O ở VP. Hoặc nếu phản ứng thiếu oxi ở vế phải (VP): môi trường là axit thì thêm H+ ở VT, H2O ở VP; môi trường kiềm thì H2O ở VT, OH- ở VP.
- Sau khi đã cân bằng khối lượng thì chuyển sang cân bằng điện tích bằng cách thêm hoặc bớt electron vào 2 vế của phản ứng.
- Tổng hợp lại thành phương trình đầy đủ. Trước hết cần làm cho số electron tham gia phản ứng phải bằng nhau. Sau đó cộng chúng lại theo từng vế.
- Kiểm tra phương trình phản ứng đã cân bằng chưa.
Ví dụ: Cân bằng phương trình: CrO2- + H2O2 → CrO42- + H2O
CrO2- + 4OH- → CrO42- + 2H2O + 3e (a)
H2O2 + 2e → 2OH- (b)
Kết quả tổ hợp (a) và (b) cho ta:
2CrO2- + 8OH- + 3H2O2 ↔ 2CrO42- + 4H2O + 6OH-
Nên cuối cùng ta có: 2CrO2- + 2OH- + 3H2O2 ↔ 2CrO42- + 4H2O
Trong trường hợp phải thiết lập phương trình dưới dạng phân tử thì vẫn lấy cơ sở là phương trình ion – electron và thêm bớt các chất phụ một cách hợp lý.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: