Mấy ngày qua, các luồng ý kiến trái chiều nhau về dự thảo đổi mới chương trình và sách giáo khoa được đăng tải rất nhiều. Tôi xin được trích lại hai bài viết của TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình liên quan đến những vấn đề này.
--------------------------------------------------------
Đột phá từ đội ngũ giáo viên
Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Thế nhưng đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến tất cả mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.
Sẽ còn yếu hơn
Theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn học sinh/sinh viên đang học tại các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành (sau đây gọi chung là trường sư phạm) vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, mà nội dung và phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu, còn công tác bồi dưỡng được tổ chức hằng năm cho giáo viên phổ thông lại mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua không giải quyết được cũng khiến công tác đào tạo và sử dụng giáo viên gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy/cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây, 40-60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại nghề sẽ không làm nghề dạy học. Còn học sinh khá, giỏi không thi vào trường sư phạm.
Năm nhóm giải pháp
Trước thực trạng rất đáng lo ngại như vậy, rõ ràng cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, làm cho các thầy/cô giáo đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội, đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thật sự coi trọng và có sức thu hút đối với học sinh khá/ giỏi sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Nhằm mục đích đó, tập thể các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu về giáo dục do Quỹ hòa bình và phát triển VN tổ chức đã đề xuất năm nhóm giải pháp.
1. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm. Từ năm học 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng; thiết lập cơ chế bảo đảm cân bằng giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên phổ thông, đồng thời tính toán để việc đào tạo chẳng những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà cả về cơ cấu loại hình giáo viên do chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 đặt ra.
2. Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông trên cả ba mặt: cộng tác xác định mục tiêu đào tạo (về chất lượng, số lượng, cơ cấu môn học), cộng tác thực hiện quá trình đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng/nâng cấp cơ sở vật chất và chính sách thu hút các nhà giáo/nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm.
3. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản/ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ (hiện gọi là bồi dưỡng), trọng tâm là phát triển liên tục khả năng đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa.
4. Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa. Chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức/viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.
5. Xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đã nêu, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường; xác định các quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa/tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy.
Là nhà giáo dục chuyên nghiệp Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ giáo viên, các ý kiến đều tập trung chỉ ra yêu cầu rất cao đối với người thầy và nghề thầy. Trong bối cảnh mới, chẳng những người thầy phải có phẩm chất yêu người, yêu nghề để có thể giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của mình mà còn phải có khả năng sư phạm cao của một nhà giáo dục chuyên nghiệp để làm tốt chức năng tổ chức, hướng dẫn, giúp học trò tìm kiếm, chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. |
NGUYỄN THỊ BÌNH
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: