Bài viết của GS Nguyễn Đăng Hưng về bài viết của GS. Pierre Darriulat "Dũng cảm nhìn vào sự thật"
Xung quanh câu chuyện khoa học và thực trạng giáo dục nước nhà, tôi có đọc qua bài cảm nhận của giáo sư Hưng về bài viết của GS. Pierre Darriulat và chia sẽ với mọi người ...
Cảm nhận của tôi sau khi đọc bài viết của GS. Pierre Darriulat
Tôi rất cảm động sau khi đọc bài của GS. Pierre Darriulat ! Việc đầu tiên là tôi phải chân thành cám ơn người đồng nghiệp này! Tôi có đọc ông trước đây một số bài rồi, nhưng qua bài này tôi có những cảm xúc, không những thú vị mà còn có thể nói là xúc động!
Thậy vậy, tôi không ngờ ông hiểu và yêu đất nước Việt Nam chúng ta đến vậy!
Vâng, phải “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, một khẩu hiệu của đảng CS Việt Nam ra đời đã gần 30 năm, giai đoạn Việt Nam đang lâm vào khủng hoản ngút ngàn và muốn thoát ra chỉ có một cách là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
Tuy nhiên vế cuối cùng của khẩu hiện này, nói rõ sự thật thì hình như chưa, chưa được thực hành đúng mức, chưa được thể hiện đến nơi đến chốn. Có lẽ đó là hệ lụy của tình trạng tệ hại hiện nay!
Trong bài này GS. Pierre Darriulat đã nói rõ sự thật, sự thật về tình trạng giáo dục và đào tạo hiện hành, về phong cách quản lý nghiên cứu khoa học, những sự thật đau lòng mà sau gần 30 năm đổi mới, nó vẫn còn tồn đọng, thậm chí ngự trị bao trùm tại Việt Nam.
Ba mươi năm đã đủ cho Hàn Quốc vốn kém mở mang đã trở thành một cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ. Đây chính là sự thật đau xót, cháy bỏng tâm can đông đảo người Việt Nam!
GS. Pierre Darriulat đã đưa ra những dẫn dụ mà ông chứng kiến tại Việt Nam trong thời gian tác nghiệp về chuyên ngành của ông: vật lý hạch nhân và vũ trụ.
Là chuyên gia lăn lộn tại Việt nam từ năm 1977 rồi bỏ cuộc 10 năm, sau đó nối lại từ 1989 cho đến tuổi về hưu năm 2006, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều tương tự trong ngành của tôi: Tính toán cơ học.
Xin đơn cử vài ví dụ điển hình. Có lần tôi liên lạc được với một vài cán bộ cao cấp ngành dầu khí, trong những năm 90 là ngành khá thịnh vượng tại Việt Nam, sẳn sàng đầu tư cho việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại cho việc thiết kế tính toán các thiết bị thăm dò và khai khác dầu trên biển Đông Nam Á. Là người đã tham gia lập trình trong cuối những năm 60, một trong những nhà khoa học viết những dòng đầu cho một phần mềm tính toán sau này trở thành một chương trình vạn năng có giá trị thương mại cao vì có khả năng tính toán thiết kết các cấu trúc phức tạp, đặt biệt xác định độ rung của các dàn khoan trước tải trọng sóng gió!
Vì là đồng tác giả, tôi có thẩm quyền chuyển giao công nghệ này về Việt Nam với một giá rất rẻ. Than ôi, tôi bất ngờ có được câu trả lời là họ chỉ muốn mua phần mềm này ở giá thật là cao và đã có ký kết mua ở Singapore. Tôi biết ở thời buổi ấy Singapore đang học hỏi chúng tôi. Và tôi ngỡ ngàng chợt hiểu là họ mua để có nhiều hoa hồng chứ không phải để xử dụng trên thực tế vì họ không đế ý đến đề nghị chính đáng của tôi với tư cách chuyên gia là đào tạo người biết xử dụng và đánh giá các kết quả tính toán mới là việc quan trọng chứ không phải chỉ đem về phần mềm cài trên máy rồi ngồi đó bấm chuột lung tung…
Một sự thật nghiêm trọng hơn là năm 1991, khi tôi tổ chức một lớp thỉnh giảng chuyên đề về phương pháp phần tử hữu hạn và các phần mềm áp dụng phương pháp này tại một viện … nổi tiếng tại Sài Gòn. Tôi vốn là một kỹ sư nên bài giảng của tôi luôn luôn có phần thực hành đi theo, làm bài tập tính toán trực tiếp trên máy tính. Tôi đem tử Bỉ về một môn đệ gốc người Pháp, học trò xuất sắc của tôi. Tôi lo phần giảng lý thuyết và trợ lý của tôi lo phần thực hành. Trợ lý của tôi (nay là một giáo sư cơ học bề thế tiếng tăm tại Pháp) cài vào các máy tính của viện này các phiên bản của phần mềm chúng tôi đem về. Vì phần mềm này đang được thương mại hóa rất thành công tại Châu Âu (thiết kế cho máy bay Châu Âu) chúng tôi phải dùng các khóa cứng trên các máy tính để đảm bảo an toàn.
Đến chiều thứ hai khi bắt đầu phân phối bài tập cho học viên, chẳng có máy nào chạy cả. Trợ lý báo cho tôi hay là, lợi dụng những ngày cuối tuần, ai đó đã vào máy bẻ khóa với ý định chôm phần mềm của chúng tôi. Kẻ xấu không đạt được ý đồ, nhưng trong thao tác lung tung đã làm hỏng các lệnh tương tác với hệ thống điều hành. Không cài lại thì không thể xử dụng được.
Người trợ lý còn bảo với tôi là sẽ báo cáo về Bỉ việc này. Nội dung là đối tác mà tôi đã chọn là đối tác không thể tin tưởng được. Sau đó tôi bắt buộc phải ngưng mọi hợp tác với đối tác này. Họ đã hành xữ rất sai lầm. Nếu tử tế bình thường qua hợp tác họ sẽ có hết vì theo dự án, chúng tôi đã trù liệu không những cung cấp miễn phí phần mền sau khóa học mà còn ra sức đào tạo nhân sự biết xử dụng, làm chủ trọn vẹn công nghệ… Mọi chi phí đã được bố trí trong nội dung dự án…
Đây chính là tư duy ăn xổi ở thì trong giáo dục khoa học công nghệ, phát xuất từ những quan điểm cố hữu sai trái, những tệ đoan đã dần dần thành hệ thống…
Thành ra tôi rất đồng ý với GS. Pierre Darriulat, nói ra sự thật là thiết yếu trong tình hình hiện nay. Bởi vậy, tôi cho rằng các nhà khoa học Việt kiều thành công ở nước ngoài khi về Việt Nam tác nghiệp, nên cố gắng giữ cho mình một tinh thần độc lập, phê phán và phản biện nghiêm túc và kịp thời những sai trái hiện hữu. Chỉ có như thế mới có thể góp phần hữu hiệu cho việc đóng góp “đổi mới toàn diện” nền giáo dục, phong cách quản lý khoa học đã bị chệch hướng từ quá lâu tại Việt Nam.
Trong phần đầu của bài viết GS. Pierre Darriulat có nhắc đên quan điểm của GS Hồ Đắc Di về giáo dục và quản lý khoa học. Chúng ta không nên quên là GS Hồ Đắc Đi đã được đào tạo bài bản tại Pháp từ những năm 20 của thế kỷ trước. Và bắt đầu từ những năm 30 khi ông về Việt Nam hành nghề, ông đã bị chính quyền thuộc địa Pháp đối xử không công bằng. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa Pháp không có yếu tố toàn trị, nên cuối cùng vẫn có những đồng nghiệp người Pháp trong giới lãnh đạo y học như hiệu trưởng trường Đại học Y – Dược thuộc Đại học Đông Dương bác sĩ Leroy des Barres mời ông về giảng dạy về phụ sản tại Hà Nội, nối lại những chức năng mà ông đã từng có tại Paris.
Vấn đề cốt lõi của công cuộc “đổi mới toàn diện” nền giáo dục và phong cách quản lý khoa học Việt Nam theo tôi, chính là loại ra ngoài lề yếu tố toàn trị, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng quyền lợi chính đáng của trí tuệ, của nhà khoa học, người trí thức.
Đó là những điều tôi hiểu khi đọc bài của GS. Pierre Darriulat và một lần nữa, cám ơn ông đã có cái nhìn khách quan, vô tư nhưng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và quản lý khoa học tại nước ta.
Sài Gòn ngày 19/2/2014
GS Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư danh dự Đại học Liège, Bỉ,