Từ nhiều năm trở lại nay, thuật ngữ "Đổi mới phương pháp giảng dạy" được nhắc nhiều đến mức mà có rất nhiều người dị ứng với nó. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc đổi này, nhiều đến mức mà người ta không biết nên chọn phương pháp nào để đổi mới. Vấn đề này đã tiêu tốn không ít thời gian, tiền của và cũng sinh lợi cho không ít kẻ cơ hội.
Trong bài viết này tôi muốn trình bày quan điểm của mình về việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc Đại Học
Theo quan điểm của tôi thì việc sử dụng máy chiếu không được đưa vào thuật ngữ đổi mới phương pháp giảng dạy, mà nên chăng để nó vào việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Phương pháp giảng dạy được xem như là nghệ thuật ứng xử. Đã là nghệ thuật ứng xử thì phải xuất phát từ đối tượng giao tiếp. Chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ bác học để giao tiếp với người lao động, cũng như không thể sử dụng phương thức giao tiếp buôn bán lên bục giảng. Chính vì vậy mà trước khi chọn phương pháp để giảng dạy thì phải xuất phát từ đối tượng đang đào tạo. Đây cũng chính là lý do mà nhiều nhà giáo dục luôn bảo lưu quan điểm, không có đổi mới phương pháp mà chỉ có lựa chọn phương pháp phù hợp. Nó là một đối tượng động và không dùng chung cho bất kỳ đối tượng nào.
Xuất phát từ mục tiêu đào tạo là đào tạo để đối tượng người học nắm được linh hồn của môn học và hiểu cũng như làm được những gì họ hiểu. Với mục tiêu này thì không thể trong vòng 30 hoặc 60 giờ mà chúng ta có thể truyền tải được nội dung của một môn học với kiến thức nó được tích lũy từ cả ngàn năm. Vậy việc sàng lọc kiến thức để đưa ra giảng dạy được xem là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định chất lượng đạt được của môn học. Dạy quá nhiều thì Sinh viên sẽ "ngộ độc" và không biết gì, dạy quá ít thì không thể đảm bảo được tính trọn vẹ của khối kiến thức cũng như khả năng vận dụng của nó. Do đó người thầy, với kiến thức uyên bác và khả năng tổng hợp kiến thức tài tình để lựa chọn các nội dung cần trình bày là yếu tố đầu tiên của việc đổi mới phương pháp. Cho đến này, nhìn chung ở các trường Đại học, việc này có vẽ chưa được quan tâm nhiều. Chúng ta vẫn ôm đồm và bắt người học có kiến thức giống như thầy.
Việc dạy chỉ thành công khi người học chủ động trong việc học. Có nhiều người cho rằng đấy là do người học. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Nói vậy chẳng khác gì việc đi truyền đạo không thành công là không phải do người truyền đạo. Vấn đề quan trọng của ông thầy là đặt mình vào vị trí của một người truyền đạo. Người học không học là do người thầy chưa kích thích hưng phấn được cho người học. Vậy làm thế nào để kích thích được hưng phấn cho người học. Vấn đề được quay lại phần trên, đó là chúng ta cần lựa chọn nội dung cũng như phương thức giao tiếp phù hợp với đối tượng. Chọn những nội dung mà người học chỉ cần cố gắng rất ít cũng có thể tiếp thu được. Điều này giồng như khi chúng ta xem phim, bộ phim chỉ hấp dẫn khi chúng ta hiểu nó. Nói đến đây người đọc cũng dễ nhận ra là tác giả đang muốn nói điều gì. Điều mà tác giả cần chia sẽ là không phải dạy cho hết chương trình, cho xong buổi học mà mục tiêu là dạy cho người học từ chỗ chưa biết đến chổ biết và tự giải quyết được vấn đề.
Với hai quan điểm trên thì việc đổi mới phương pháp là một quá trình và là một sự thay đổi tổng thể từ người dạy đến chương trình dạy và phương thức dạy. Không thể lấy một cái nhỏ bé để kết luận cho một cái lớn lao như việc sử dụng Powerpoit cho việc đổi mới phương pháp.
Đặng Văn Cường
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: