Nhà bác học người Đức Gauss (1777 - 1855) được mệnh danh là "Hoàng tử của các nhà toán học". Các công trình của ông rộng khắp các lĩnh vực trong toán học, thiên văn học, vật lý, trắc địa... và có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của toán học và nhiều ngành khoa học khác. Ông được xếp ngang hàng cùng Archimede, Euler và Newton, những nhà toán học vĩ đại nhất của nhân loại.
Toán học ở Châu Âu đã phục hồi và nhanh chóng phát triển từ thời kỳ Phục hưng. Sự phát triển nhanh chóng của toán học ở giai đoạn này, cùng với sự phát triển của các ngành khoa học khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của Châu Âu. Thế kỷ XVII chứng kiến sự bùng nổ chưa từng thấy của các ý tưởng toán học và khoa học trên toàn Châu Âu. Đến thế kỷ XIX, toán học ngày càng trở nên trừu tượng hơn. Có thể nói chính Gauxơ là bước tiếp nối và phát triển những thành tựu vĩ đại của khoa học trước đó.
Từ nhỏ, ông đã là một thần đồng. Giai thoại kể rằng lúc đang học tiểu học, ông đã giải bài toán tính tổng các số từ 1 đến 100 chỉ mất vài giây. Lúc học trung học, ông đã khám phá ra một số định lý toán học. Nổi tiếng nhất là bài toán vẽ đa giác đều 17 cạnh chỉ bằng thước kẻ và compa, một bài toán làm đau đầu các nhà toán học trong hơn 2.000 năm.
Ông là người đặt nền móng cho bộ môn Lý thuyết số với những công trình: đồng dư, nghịch đảo toàn phương, định lý số nguyên tố, nghiệm của đa thức... Ông đóng góp cho đại số các công trình Định lý cơ bản của đại số. Ông góp phần phát triển số phức nhằm hoàn thiện dần môn đại số như ngày nay. Ông cũng là người tuyên bố đã khám phá ra hình học phi Euclite.
Gauss là người cẩn thận trong khoa học, tự trọng trong đời sống và là người có sức làm việc phi thường. Ông chỉ cho đăng các công trình của mình sau khi nó được hoàn thiện kỹ càng, qua phản biện và được khẳng định về tính đúng đắn của khoa học. Chính vì điều này mà sau khi ông mất, người ta tìm thấy rất nhiều ghi chép khoa học của ông chưa được công bố. Khẩu hiệu của ông là "ít nhưng chắc chắn". Phải chăng đó là nguyên nhân mà ông không công bố công trình hình học phi Euclite? Nhà viết sử Bell năm 1937 đã ước đoán rằng, nếu Gauss xuất bản hết mọi công trình của ông từ lúc ông còn sống thì toán học đã có thể tiến nhanh hơn 50 năm. Thật đáng kinh ngạc về đóng góp của cá nhân ông đối với nhân loại!
Ông được nhận tước hiệu Công tước với mức lương cao. Vì nhiều lý do, trong đó có việc ông đánh giá những đóng góp của mình cho toán học không xứng được chu cấp nhiều như vậy, nên ông đã chuyển sang ngành thiên văn học. Ông làm việc với chức danh Giám đốc Đài Thiên văn Đại học Gottingen từ năm 1807 đến hết đời. Từ đó, ông tiếp tục đóng góp công sức của mình trong lĩnh vực thiên văn học, quang học, từ học... Với toán học, ông tiếp tục khám phá ra hình vi phân, sai số... ông cũng là người thầy của nhiều nhà khoa học tài năng.
Thành tựu khoa học vĩ đại của Gauss đã được nhân loại ghi nhận. Tên ông được đặt cho một hố trên bề Mặt Trăng, một hành tinh. Ảnh ông được in trên mặt đồng tiền của Đức. Giải thưởng Gauss được thành lập năm 2006, dành tặng cho những thành tựu toán học ứng dụng vào các ngành khác và cuộc sống. Tại Canada, cuộc thi toán cho học sinh trung học mang tên ông.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: