Sản phẩm bánh mì được sản xuất chủ yếu từ bột mì trắng, nước, men và muối bằng một loạt các quy trình liên quan đến phối trộn, nhào, tạo hình và nướng. Hạt lúa mì được cấu tạo bởi ba thành phần thực vật: cám, mầm và nội nhũ. Trong thế kỷ trước, những tiến bộ trong xay xát và chế biến ngũ cốc đã cho phép tách và loại bỏ cám và mầm ở quy mô lớn, tạo ra bột tinh chế chỉ bao gồm nội nhũ, chính là bột mì trắng. Bột tinh chế đã trở nên phổ biến vì nó tạo ra các loại bánh nướng với kết cấu mềm hơn và độ tươi kéo dài. Tuy nhiên, việc loại bỏ nhiều cám và mầm sẽ làm mất chất xơ, vitamin B, vitamin E, khoáng chất vi lượng, protein, chất béo không bão hòa và khoảng 75% chất phytochemical, là những chất có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật có các thành phần hoạt động sinh lý có thể có chức năng có lợi cho sức khỏe. Bánh mì làm từ bột mì trắng có giá trị cảm quan tốt, tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ không cao khi so sánh với bánh mì làm từ bột mì nguyên cám. Bột mì nguyên cám là hỗn hợp bột có màu sẫm, được xay từ nguyên hạt lúa mì, khác với bột mì trắng chỉ được xay từ một phần nội nhũ trong hạt lúa mì. Theo một số nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy, bột mì nguyên cám chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, khoáng chất, các axit amin thiết yếu nằm trong cám; chất béo, vitamin hòa tan chứa trong mầm của toàn bộ hạt lúa mì. Sản phẩm bánh mì làm từ bột mì nguyên cám có chỉ số đường huyết thấp nên thích hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.
Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm có lợi cho cơ thể. Do đó, sản phẩm bánh mì được sản xuất từ bột mì nguyên cám là lựa chọn ưu tiên đối với người tiêu dùng bởi những lợi ích của nó.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: