Dung dịch thật là hệ phân tán trong đó các hạt của pha phân tán có kích thước của phân tử hoặc ion (10-10m). Trong dung dịch thật, các hạt của pha phân tán và các phân tử của môi trường có kích thước xấp xỉ nhau, không còn bề mặt phân chia nữa do đó toàn bộ dung dịch là một hệ đồng thể. Chất được phân bố là chất tan, còn môi trường trong đó chất tan phân bố gọi là dung môi. Lượng chất tan trong một lượng dung môi xác định có thể biến đổi trong một giới hạn nào đó. Vậy có thể định nghĩa dung dịch như sau:
Dung dịch là hệ đồng thể của hai hay nhiều cấu tử, thành phần của dung dịch có thể biến đổi trong một giới hạn nào đó.
Dung dịch có thể ở thể khí, lỏng hay rắn nhưng phổ biến trong thực tế là dung dịch lỏng.
Người ta có thể phân chia các chất tạo thành dung dịch ra hai loại: dung môi và chất tan. Sự phân chia như thế chỉ có tính chất quy ước. Thường thì những chất nào có lượng tương đối nhiều hơn thì được gọi là dung môi, ít hơn gọi là chất tan. Ví dụ: dung dịch rượu etylic và nước. Nếu trong dung dịch này nước nhiều hơn rượu thì nước là dung môi, rượu là chất tan, ngược lại thì rượu là dung môi, nước là chất tan. Đối với dung dịch được tạo ra do khí và rắn hòa tan trong lỏng thì khí, rắn được xem là chất tan, lỏng là dung môi.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: