Các thí nghiệm hóa học nói chung và Hóa hữu cơ nói riêng, bao giờ cũng đòi hỏi tiến hành thận trọng nhằm bảo đảm an toàn lao động cho người làm thí nghiệm cũng như mọi người xung quanh và phòng thí nghiệm. Chỉ thiếu thận trọng, thiếu chính xác một chút, có thể dẫn tới hỏng dụng cụ, máy móc và đôi khi dẫn tới những tai nạn không lường trước được.
1. Quy định chung
- Không đặt đèn cồn đang đốt ở mép bàn vì có thể rơi vỡ xuống sàn nhà, gây bùng cháy, tránh không để đèn cồn đang đốt đổ xuống bàn và không nghiêng người hoặc với tay qua khoảng không phía trên ngọn lửa đèn vì khi đó lửa có thể bắt vào người làm thí nghiệm.
- Các hóa chất, thuốc thử dễ cháy nổ, không để gần lửa.
- Mở nút chai lọ thuốc thử để lấy hóa chất, khi làm xong, phải đậy nút ngay.
- Không ngửi trực tiếp trên miệng lọ hóa chất, vì những hóa chất bốc hơi mạnh như amoniac dễ làm tổn thương niêm mạc mũi.
2. Những tai nạn thường gặp và cách đề phòng
2.1. Cháy
Khi để các dung môi dễ cháy gần lửa, để rơi vỡ đèn cồn đang đốt, dụng cụ thí nghiệm lắp không khớp, … đều có thể gây ra cháy.
- Khi xảy ra cháy, sinh viên phải nhanh chóng tắt ngay đèn đun, kéo cầu dao điện nhằm ngắt nguồn cung cấp nhiệt lượng, cất những chai dung môi dễ cháy để gần.
- Trong một số trường hợp cháy, không được dùng nước để tắt lửa vì nước chỉ làm cho lửa lan tràn nếu ta đổ nước vào chất lỏng nóng sôi (ether, benzene, etxăng, ...). Dùng nước đặc biệt nguy hiểm ở trường hợp phản ứng có natri kim loại vì sẽ gây nổ.
- Để nhanh chóng dập tắt lửa, ta dùng bình chữa cháy và dùng cát có sẵn trong phòng thí nghiệm.
- Trường hợp quần áo bị bốc cháy thì không nên chạy (không khí chuyển động thổi cho lửa mạnh thêm) mà nên lấy áo choàng hoặc mảnh vải nhúng ướt trùm lên người, để dập tắt lửa ở quần áo.
2.2. Nổ
Ta cần phải biết được nguyên nhân gây nổ để tránh được tai nạn đó.
Nổ có thể gây ra do:
- Lắp dụng cụ không đúng cách (bịt kín bình hứng khi cất).
- Đun quá nóng hỗn hợp phản ứng hay chất lỏng khi cất khiến phản ứng quá mạnh, chất bị phân hóa hay chất lỏng đột nhiên sôi lên.
- Cất ở áp suất thấp bằng các dụng cụ thủy tinh không đủ độ bền cơ học (thủy tinh không tốt hoặc có vết rạn, …).
- Các mảnh Na kim loại rơi vào nước.
- Cất ether để lâu, có chứa peroxyd.
Để tránh các tai nạn có thể xảy ra, ta phải loại bỏ các nguyên nhân nêu trên, với các chú ý làm việc như sau:
- Lắp dụng cụ đúng cách, sao cho không bịt kín hoàn toàn hệ thống khi đun nóng, cất, …
- Gặp phản ứng dễ nổ, phân hóa mạnh nên làm trong tủ hút.
- Khi cất áp lực giảm phải thận trọng, phải bảo vệ bằng kính an toàn và che đầu, mặt bằng tấm mica bảo vệ để phòng chất lỏng sôi trong bình và mảnh thủy tinh bắn vào.
- Khi cất ether hoặc các chất lỏng dễ bốc cháy khác phải rất thận trọng, cất trong tủ hút và trong phòng tuyệt đối không được có lửa.
2.3. Bỏng
Khi làm thí nghiệm, nếu không cẩn thận có thể bị bỏng:
- Do cầm phải vật đang đun, có độ nóng cao.
- Do hút pipet các dung dịch acid, kiềm.
- Do các hơi sôi của chất lỏng bắn vào da.
- Do để xảy ra cháy, ngọn lửa bén vào tay hoặc quần áo.
2.4. Phương pháp sơ cứu
- Khi bị vết rách vì thủy tinh: tìm cách lấy mảnh thủy tinh ra khỏi vết thương, bôi dung dịch iod sát trùng rồi băng lại.
- Khi bị bỏng lửa (nhẹ): bôi glycerin hoặc bông thấm cồn 70.
- Khi bị bỏng vì acid: phải lập tức rửa vết thương bằng một lượng nước lớn rồi bằng dung dịch natri bicarbonat 3%, sau cùng bôi thuốc mỡ chữa bỏng hay vaselin.
- Khi bị acid dính vào mắt: đầu tiên rửa mắt bằng nước sạch liên tục, rồi rửa bằng dung dịch natri bicarbonat loãng 0,5%, sau cùng rửa bằng nước sạch.
- Khi bị kiềm đặc dính vào da: Rửa chỗ bị bỏng nhiều lần bằng nước rồi bằng acid acetic loãng hay dung dịch acid boric 1%.
- Khi bị bỏng brom: Rửa nhiều lần bằng rượu hay bằng benzen rồi bằng dung dịch natrithiosulfat 10% sau đó bôi mỡ vaselin vào chỗ bị bỏng.
- Khi bị bỏng phenol: Rửa nhiều lần bằng glycerin cho tới khi màu da trở lại bình thường rồi bằng nước sau đó băng chỗ bỏng bằng bông tẩm glycerin.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: