Nói đến hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ ắt hẵn sẽ không còn xa lạ gì đối với Thầy và trò ở đại học Duy Tân. Kết thúc hơn 5 năm đào tạo theo học chế tín chỉ chúng ta đã trải qua không ít khó khăn, có những khó khăn đã từng bước được khắc phục, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn chưa thực sự được khắc phục. Trong bài viết này tôi trình bày một số nhận định của bản thân về một số điểm khó khăn của sinh viên trong quá trình học tập và vai trò của công tác cố vấn học tập đối với hình thức đào tạo này.
Điểm khó khăn đầu tiên ta dễ dàng nhận thấy là sự bở ngỡ có phần bối rối đối với sinh viên năm một trước hình thức đào tạo này. Nếu như ở chương trình phổ thông, người học chỉ học theo các môn học và hệ thống thời khoá biểu đã được định sẵn, thì đối với sinh viên năm 1 họ phải bắt đầu quyết định việc chọn môn học, chọn thời khoá biểu và chọn thầy học. Nếu như trước đây hàng tuần học sinh được gặp giáo viên chủ nhiệm và học theo lớp thì đào tạo tín chỉ không có giáo viên chủ nhiệm lớp cũng như không có khái niệm gọi là lớp học. Chỉ chừng đó thôi thì hầu hết sinh viên năm một đều có cảm giác hoảng loạn và thiếu tự tin trong việc kiểm soát quá trình học của mình.
Để giải quyết điểm khó khăn đầu tiên này, người giảng viên cố vấn học tập phải cố gắng giúp các bạn sinh viên tiếp cận càng nhanh càng tốt hình thức đào tạo này. Các giảng viên phải cố gắng để sinh viên của mình không bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Tiếp cận nhanh với nhóm cố vấn và hiểu nhanh các năng lực vốn có của các em. Việc tạo ra một môi trường thân thiện, ấm cúng đơn giản và hiệu quả là yếu tố góp phần quyết định tinh thần học tập của sinh viên ngay từ những buổi đầu đến trường.
Điểm khó khăn thứ hai có thể ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của các bạn sinh viên là việc lựa chọn môn học cũng như thời khoá biểu. Giữa ma trận các môn học có quyền lựa chọn cho một học kỳ, hầu hết các bạn sinh viên lựa chọn môn theo xu hướng đám đông và theo bạn. Bên cạnh chưa nắm rõ chương trình các môn học thì khả năng tự đánh giá năng lực bản thân của các bạn sinh viên cũng không kém phần hạn chế. Chính vì vậy mà việc đạt được một kế quả tốt cho mỗi học kỳ và cho điểm tích luỹ cuối khoá học của các bạn sinh viên quả là một vấn đề lớn. Có không ít các bạn sinh viên học thừa môn này mà lại thiếu môn kia dẫn đến không tốt nghiệp đúng như kế hoạch của bản thân.
Để giải quyết được vấn đề này thì không ai có thể thay thế giảng viên cố vấn học tập. Qua kết quả học tập năm 1, giảng viên cố vấn học tập sẽ có những đánh giá cơ bản nhất về năng lực học tập của các bạn sinh viên mình đang cố vấn. Thông qua các kết quả đánh giá sơ bộ này, giảng viên cố vấn học tập sẽ có những cố vấn hợp lý góp phần điều tiết năng lực học phù hợp đối với từng sinh viên trong từng học kỳ. Bên cạnh đó, hơn ai khác, giảng viên cố vấn học tập là người nắm rõ các tín chỉ cần đạt được của các bạn sinh viên để có thể kết thúck hoá học.
Trên đây là hai nhận định cơ bản về vai trò của GV cố vấn học tập đối với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Hy vọng quý đồng nghiệp và các bạn sinh viên sẽ góp ý và bổ sung các nhận định của mình để tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn trong việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ.
TS. Đặng Văn Cường
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: